Lon GUIGOZ Hành Trang Của Người Tù Cải Tạo Hoàng Chương Không biết vô tình hay hữu ý mà trong hành trang lên đường của tôi có chiếc lon guigoz. Guigoz là lon sữa bột của nước Hòa Lan sản xuất. Hầu hết trước năm 1975, con cái của công chức, quân nhân và gia đình khá giả đều uống loại sữa này. Vợ tôi để dành những cái lon không để đựng những đồ gia vị gồm bột ngọt, tiêu, đường, muối, mỡ… vì vừa nhẹ, vừa sạch và vừa kín. Khi đậy nắp lại không có con kiến nhỏ nào chui lọt. Trong “ba – lô” (túi sách nhà binh) đi tù học tập cải tạo của tôi có đến hai chiếc lon guigoz. Một cái đựng bàn chải đánh răng và kem súc miệng. Còn cái kia đựng thuốc ngừa sốt rét, thuốc đau bụng và hai chai dầu gió. Đó là những việc mà vợ tôi lo xa.. Ngày 27 tháng 6 năm 1975 là ngày tôi đến trường nữ Trung Học Gia Long, đường Phan Thanh Giản, Quận 3, Sài Gòn, trình diện. Sau mấy tháng không làm việc gì nặng nhọc, khi mang ba – lô trên vai đi bộ độ mươi bước thì tôi cảm thấy người như chùng xuống. Tôi thầm trách vợ tôi: ”đã nói học tập có mười ngày, đem theo đồ gì gọn nhẹ mà sao không nghe”. Đến trường Gia Long ở hai ngày một đêm mà tôi không buồn soạn cái ba- lô, coi trong đó đựng những thứ gì. Tôi chỉ lấy chiếc lon guigoz đựng kem súc miệng và cái khăn mặt để sử dụng hàng ngày. Thật là tiện lợi khi dùng nó vì nó chứa được nhiều nước. Ngày 29 thang 6 năm 1975,tôi đến trại tù ở Suối Máu Biên Hòa. Sau khi điểm danh và phân chia nhà ở xong, việc đầu tiên của tôi là xách chiếc lon guigoz đi tìm nước súc miệng. Đi một vòng xung quanh trại mà tôi chẳng thấy có cái lu, cái khạp, hay cái thùng phi nào chứa nước sẵn. Chỉ có một cái giếng duy nhất để chứa nước nấu ăn. Có giếng nước mà trại lại không phát thùng múc nước. Làm sao lấy nước lên được khi độ sâu của giếng khoảng hơn mười thước. Tôi đành xách chiếc lon guigoz đi về nhà ở. Thấy ai nấy đều đem mùng ra kiếm chỗ treo lên, tôi cũng mở ba- lô lấy cái mùng “nhà binh” màu xám (loại mùng bằng vải nylon, phía trên nóc và xung quanh chân mùng có bốn sợi dây, mỗi sợi dài hơn ba thước.) Một ý nghĩ bỗng thoáng qua trong đầu tôi là tại sao tôi không lấy bốn sợi dây này nối lại (” một cây làm chẳng nên non”), xong buộc vào lon guigoz mà lấy nước từ dưới giếng lên. Tôi liền thực hành ngay. Quả thật tôi đã lấy nước một cách dễ dàng, không những cho tôi mà còn cho những bạn tù khác. Đến 8 giờ 30 cùng ngày, cả nhà (gồm 44 người) ngồi lại bầu một nhà trưởng và một người phụ trách nấu ăn. Quái ác, một thằng bạn thấy tôi có sáng kiến lấy được nước từ giếng sâu lên, nó liền đề cử. Thế là cả bọn dơ tay tán thành. Khởi sự đi nấu vào lúc 9 giờ sáng mà mãi đến 2 giờ chiều mới có cơm ăn. Độc nhất, chỉ có rau muống luộc bằng nước giếng. Nước dùng để vo gạo và rửa rau, kể cả nước để vô chảo để nấu cơm và luộc rau, cũng chỉ dùng chiếc lon guigoz lấy nước từ dưới giếng lên. Còn củi để chụm là những khúc cây cao su bằng bắp chân cưa ngắn lại độ ba gang tay còn xanh. Làm sao nhúm lửa được mà nấu? Trại tù không phát dao cũng không phát búa, sợ tụi này dùng vật bén nhọn tấn công tụi nó. Tôi lại một phen đi đào lấy cọc sắt ”ấp chiến lược” loại ngắn độ hơn gang tay để chẻ củi. Sau đó, đi lấy bao
cát nylon để đốt cho cây củi cao su khô đi mới bắt cháy được. Thật là nhiêu khê! Sau khi làm bếp xong, tôi lấy một lon guigoz nước để ”tắm búng” (thắm nước cho ướt mình mẩy rồi lấy tay se se cho đất tróc ra, xong búng nó đi) Có một hôm trời mưa to. Cả bọn mừng rỡ chạy ra tắm mưa dưới những mái tôn nhà đang ở. Bỗng nhiên mưa đứt hột một cách đột ngột. Cả bọn nhìn nhau cười ngặt nghẽo vì đầu cổ mình mẩy đứa nào đứa nấy đều dính đầy bọt xà bông, trông rất thảm hại! Chiếc lon guigoz lại lần nữa giúp cho bọn tù chúng tôi rửa sạch bọt bèo xà bông. Có nhiều đêm tôi muốn đi ngủ sớm vì quá mệt nhọc trong công việc nhà bếp nhưng mấy thằng ban đâu có tôi nằm yên, tụi nó thay phiên nhau tới chỗ tôi nằm để mượn chiếc lon guigoz. Đã mười giờ đêm mà tôi vẫn chưa ngủ được vì lấy lon guigoz đi, thì bốn sợi dây giăng mùng cũng đi theo. Sau hơn một tháng, vào ngày 9 tháng 7 năm 1975, chúng tôi chuyển trại bằng đường bộ từ Suối Máu xuống An Dưỡng (Biên Hòa). Dọc đường, chiếc lon guigoz lại giúp tôi đỡ cơn khát. Ở trại mới, so với trại cũ có phần thoáng mát hơn. Cũng xử dụng nước giếng nhưng trại phát cho thùng xách nước. Còn củi thì trại có đưa búa cho chẻ củi. Cho nên chiếc lon guigoz lúc này dùng việc “ca cống” (là dùng ca và lon guigoz bằng nhôm nấu ăn hoặc nấu nước uống bằng than của nhà bếp) Ở chung trại có anh bạn tù tên là Tuấn. Anh ta có một thân hình lực sĩ đẹp nhất trại nhưng vì anh ta hay bắt chuột làm thịt ăn nên cả bọn chúng tôi kêu anh ta bằng Tuấn chuột. Một đêm trăng, tôi nằm thao thức mãi không ngủ được, một phần thì nhớ nhà, một phần thì bụng đói cồn cào. Tôi ngồi dậy, nhìn ra ngoài trời, dưới ánh sáng của vầng trăng tròn, tôi thấy hai con chuột đang tìm cách tha cái lon guigoz của Tuấn Chuột. Một con chuột nằm ngửa, bốn cẳng của nó ôm chặt chiếc lon guigoz, còn con kia cắn đuôi con chuột nằm ngửa mà kéo đi nhưng vì miệng hang quá nhỏ nên chúng không thể nào đem cái lon guigoz vào được. Ngoài ra chiếc lon guigoz cũng giúp tôi khỏi bị bệnh tê liệt một thời gian ngắn. Số là ở trại tù An Dưỡng, bọn quản lý trại giam đã cho chúng tôi ăn gạo ẩm (gạo cũ bị bể nát). Chỉ trong một tuần lễ là tất cả chúng tôi đều đi đứng không được mà phải bò bằng tay và hai đầu gối. Tuấn Chuột là người khỏe mạnh mà cũng bị bò. Riêng tôi, tôi vẫn đi đứng bình thường. Bởi trong khi đi lao động gần nhà bếp trại, tôi thấy bọn chúng vo gạo trắng, tôi liền lấy lon guigoz xin một lon đầy nước cơm vo. Mãn giờ lao dộng, tôi trở về ”lán” (chỗ ngủ của tù cải tạo) để bắt đầu giờ ca cống. Tôi xin chút than nhà bếp để nấu nước cơm vo này. Nhờ có nước cơm vo (có chất vitamin B1) mà tôi không phải bị bò. Thấy tôi đi đứng bình thường, mấy thằng bạn nói tôi có nhiều thuốc vitamin B1 nên khám ba-lô của tôi. Đến khi lục soát xong, bọn chúng mới biết tôi chỉ có mấy viên thuốc ngừa sốt rét mà vợ tôi đã cẩn thận bỏ trong hành trang của tôi. Sau đó, Ban Quản Lý trại mới mua gạo lức về nấu cho chúng tôi ăn để khỏi bị bệnh tê liệt. Ở trong trại, tôi có ăn chung với một thằng bạn tên Hoa. Nhân ngày lễ của bọn chúng, chúng tôi mỗi thằng được trại ”ưu ái” phát cho một cục thịt heo bằng ngón tay cái. Chúng tôi đâu dám ăn liền mà bỏ vào lon guigoz rồi lọc nước muối đổ đầy vào lon nấu thịt cho ra nước mỡ để hai đứa ăn một tuần lễ vì trại trừ phần ăn bảy ngày. Ngày 17 tháng 6 năm 1977, chúng tôi chuyển trại từ An Dưỡng đến Căn Cứ 5 Rừng Lá,thuộc Hàm Tân, Phan Thiết (trại Z30D). Thời gian ở trại này có thêm đội nữ (gồm có các chi quân nhân và các chị ở Biệt Đội Thiên Nga Cảnh Sát). Tội nghiệp! Các chị đều bị bệnh vì chế độ ăn uống ở đây quá khắc nghiệt. Trong lúc này, tôi ở Đội Nhà Bếp. Hàng ngày, ngoài việc nấu cơm và luộc rau muống, tôi còn phải nấu một chảo nước sôi để chia cho đội nữ. Lợi dụng việc đi lại với nhà bếp, các chị đã gởi cho tôi sáu cái lon guigoz để gởi tôi nấu dùm. Đố các bạn biết trong đó đựng những gì? Xin thưa: đó là đậu xanh hột. Số là trong khi các chị đi thu hoạch đậu xanh, các chị đã giấu lại không nộp hết rồi bỏ vô lon guigoz đem xuống nhà bếp nhờ tôi nấu chín. Có lần tên cán bộ ( lúc này Công An Quản Lý) nhà bếp hỏi tôi nấu cái gì trong đó. Tôi nói là nấu nước sôi cho đội nữ. Hắn ta thắc mắc hỏi tại sao tôi nấu một chảo nước sôi mà không đủ chia? Tôi giải thích rằng họ cần nước đun chín để uống thuốc. Thế là thoát nạn. Trong thời gian cải tạo, người tù như chúng tôi đều trải qua những cơn đói khát kinh hoàng. Chiếc
lon guigoz đã nuôi sống chúng tôi trong những cơn hoạn nạn. Chiếc lon guigoz là vật bất ly thân, đã đi theo chúng tôi từ trại tù này đến trại tù khác. Chiếc lon guigoz là người bạn đường thân thiết của tôi. Chiếc lon guigoz cũng là hình ảnh, là báu vật mà suốt cuộc đời của người tù cải tạo không quên được. Hoàng Chương